Ở bài chia sẻ trước - “Một phương pháp học tiếng Nhật cực kỳ hiệu quả cho du học sinh”, mình có nói về vấn đề quan trọng đó là “tìm cho mình một việc làm thêm có thể phát triển khả năng ngôn ngữ”.
Thì ở bài viết này mình sẽ chia sẻ cách mình đã làm thế nào để nâng cao khả năng tiếng Nhật một cách hiệu quả. Và mình tin, phương pháp này sẽ hiệu quả với tất cả du học sinh đang học ngoại ngữ nói chung. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm động lực và tìm thêm cho mình một phương pháp học tiếng Nhật mới nhé.
Du học vừa học vừa làm, hầu như lúc nào mình cũng duy trì trạng thái làm từ 2 việc trở lên, có thời điểm mình làm rất nhiều việc cùng lúc, và mình không phải là đứa chăm chỉ. Phần lớn thời gian ở nhà của mình chỉ dành để nghỉ ngơi và ăn uống. Nhưng mình vẫn thi đậu N1, nghe hiểu và giao tiếp tốt với mọi người xung quanh. Vậy thì làm sao mình có thể cân bằng được việc học và làm thêm?
Cùng mình đọc hết 5 bước trong phương pháp học tiếng Nhật hiệu quả này nhé:
Mục lục bài viết
Bước 1: Tìm môi trường học tập tốt
Như đã nói trong bài viết trước, đa số các bạn du học sinh qua đây đều làm thêm để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, tiếp xúc với nhiều bạn, mình thấy đa số mọi người chỉ làm thêm với mục đích kiếm tiền. Mà quên mất rằng mình vừa có thể kiếm tiền và vừa có thể học, không những nâng cao giá trị thời gian và công sức của bản thân, mà còn giúp cho công việc, quan hệ với đồng nghiệp trở nên tốt hơn.
Lý do các bạn học mãi không vào, học trước quên sau, biết nhưng không nói được …. Là bởi các bạn không ứng dụng được những gì đã học, số lần lặp lại quá ít nên không nhớ được. Cách mình làm để khắc phục điều trên là đi làm thêm tại QUÁN ĂN.
Mình đã từng làm thêm tại khách sạn, combini, viện dưỡng lão, xưởng…. Tuy nhiên làm quán vẫn là chân ái. Vì đây là môi trường giúp mình học hỏi và phát triển khả năng tiếng Nhật rất nhanh.
Quán thì cũng có nhiều loại lắm, quán gia đình, quán hệ thống, quán bình dân, quán cao cấp… vân vân và mây mây. Và không phải quán nào cũng là môi trường tốt để học tiếng Nhật.
Mình muốn được trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn cách làm việc của người Nhật nên mình làm nhiều loại quán khác nhau. Tuy nhiên, mình vẫn khuyên các bạn không nên làm ở quán hệ thống (có nhiều chi nhánh trên cả nước) nếu muốn nâng cao khả năng giao tiếp, vì mình thấy quy định các quán này khá là khắt khe (cấm mang điện thoại trên người, không được nói chuyện riêng nhiều, và tất nhiên lúc rảnh cũng không được lấy tài liệu ra học…) nên khó có cơ hội nói chuyện nhiều và học hỏi khi làm việc. Ví dụ điển hình như quán cơm thịt bò …
Thay vào đó hãy chọn những quán nhỏ, kinh doanh gia đình thì sẽ dễ nói chuyện và học hỏi hơn. Mới đầu thì nên làm ở quán ít menu cho quen dần. Sau khi mình cứng rồi thì có thể chuyển sang làm quán có nhiều menu hơn, đông khách hơn, vừa để học hỏi văn hoá ẩm thực Nhật vừa để học tiếng luôn.
Nội dung công việc của quán thì cũng nhiều lắm, có thể là phục vụ, hoặc làm bếp, thu ngân, rửa bát, pha chế nước… Bạn nào còn ngại thì cứ làm quen dần từ việc làm bếp, rửa bát, sau đó nâng dần cấp độ lên làm phục vụ, thu ngân ….
Bước 2: Chủ động hỏi - không giấu dốt
Đây là điều mà rất nhiều người không làm được. Không biết cũng không hỏi, ngại hỏi, rồi cứ gật gật tỏ ra mình hiểu rồi và làm bừa làm bậy. Gây mất thiện cảm với người Nhật.
Mình là một đứa cực kỳ run, và cho đến bây giờ, trong tất cả những người mình đã gặp thì mình chưa thấy ai run và ngại nói chuyện trước nhiễu người như mình.
Nhưng để phát triển thì mình luôn luôn chủ động hỏi. Không ngại, không giấu dốt. Một đứa hướng nội và cực kỳ run như mình còn làm được thì đâu có lý do để bạn không làm được đâu đúng không?
Quán đầu tiên mình làm sau khi đến Nhật được 2 tháng là quán mỳ. Theo lời chủ quán, hồi đó mình chỉ biết được mấy câu chào hỏi. Ừ thì đúng rồi, mới N5 thì lấy đâu ra mà biết nhiều.
Nhưng bây giờ, mình trở thành người Việt được chủ tin tưởng nhất, được nói chuyện và tham gia nhiều kế hoạch với chủ. Mình trở thành quản lý người Việt của hệ thống quán gồm 5 chi nhánh trong khi chỉ là một nhân viên làm bán thời gian.
Cách mình đã học khi làm ở đây là:
- Khi được hỏi hay bảo gì mà mình không hiểu thì mình lập tức bảo họ nói lại, hoặc là sau đó sẽ bảo họ nói lại những câu trước đó. 1 lần, 2 lần, 3 lần mà vẫn không nghe ra thì mình lấy giấy bảo họ viết ra cho mình luôn.
Cách này giúp mình biết được họ nói gì và bắt kịp nhịp điệu của câu. Và đặc biệt cực kỳ dễ nhớ vì có liên quan đến mình. Có nhiều câu được nói đi nói lại nữa. Nhờ đó mà dần dần mình nghe được từng câu từng chữ người Nhật nói. Nếu từ nào không hiểu thì mình bỏ vào từ điển mazii để tra.
- Tất cả đồ đạc trong quán mình hỏi hết từ A đến Z, đến mức mấy cái không liên quan đến công việc nhưng miễn là nó nằm trong quán thì mình đều hỏi hết từ cái chuông gió hay quả ớt nhựa treo trên cửa để trang trí. Tóm lại là cứ cái gì không biết thì hỏi cái đấy.
Và tất nhiên tất cả những từ vựng này mình cũng nhớ cực nhanh và cực lâu, vì ngày nào mình đi làm nhìn nó mình cũng nhẩm lại. Từ nào quên thì mình lại hỏi, không thì xem lại sổ tay.
- Sau khi hỏi hết những từ mình sờ được thì bây giờ là công đoạn học những từ không sờ được nhưng thấy được. Ví dụ như hấp, luộc, treo, chiên, rán, lau, buộc … Đúng, hồi đó không biết gì là mình hỏi hết tất tần tật luôn.
- Học hết trong quán rồi học ngoài quán, bắt chuyện với người Nhật, hỏi họ về gia đình, về sở thích của họ …. Và tất nhiên không phải nghe xong rồi gật gật cho qua, mà không biết gì là nhờ họ viết lại cho luôn.
- Xong rồi đến phát âm, mình nhờ họ nghe xem mình nói đúng chưa, nói sai chỗ nào rồi sửa xong lại nhờ họ nghe giúp, đến khi nào đúng thì mới thôi.
- Ngày nào đi làm mình cũng mang theo giấy ghi chú những từ vựng trên trường về, rồi mang đến quán học lúc rảnh. Và tất nhiên mình tra từ điển biết hết nghĩa rồi nhưng mình vẫn hỏi, các bạn biết mình hỏi gì không? Mình hỏi từ đó nghĩa là gì? Chỉ để nghe họ giải thích bằng tiếng Nhật và học cách giải thích ấy.
- Mình còn nhớ đã có lần mình hỏi họ “buta” (con heo) nghĩa là gì? Thật buồn cười đúng không? Nhưng không hề nhé. Vì bảo mình giải thích lại tiếng Nhật nghĩa của nó thì mình đâu có làm được, vậy nên phải hỏi thôi.
- Mình bắt chước hết tất cả các câu họ nói với khách. Và tất nhiên ban đầu mình không nghe được họ nói hết câu, và mình cũng hỏi và nhờ họ viết lại. Từ đó mình luyện tập trên đường về nhà và lúc đến quán.
Khi được giao tiếp với họ, và được chỉ trực tiếp như vậy mình nhớ rất nhanh và lâu. Từ đó khả năng nghe hiểu và nói của mình cũng phát triển theo. Mình được họ tin tưởng hơn, nói chuyện nhiều hơn và quý hơn. Khi mình hỏi tất cả mọi người trong quán về con người mình. Ai cũng bảo mình là một đứa HAM HỌC HỎI.
Bước 3: Luôn ghi chú
Đây là điều vô cùng quan trọng, vì trí nhớ mình có giỏi đến đâu đi nữa thì với lượng kiến thức khổng tiếp thu mỗi ngày, chắc chắn đến một lúc nào đó mình sẽ quên.
Vậy nên ghi chú là cách cực kỳ hiệu quả để mình ôn lại những gì đã học. Mình thường ghi lại giấy sau đó mang theo bên mình. Khi cảm thấy thuộc rồi thì treo trên tường hoặc cất đi.
Và người Nhật cũng rất có thiện cảm với những bạn có thói quen ghi chú, vì nếu không ghi chú thì mình sẽ quên, mà quên thì họ phải dạy lại nên dễ cáu. Thà tốn chút thời gian lúc đầu ghi lại còn hơn để sau phải hối hận vì quên trước quên sau mà không có gì để xem lại.
Bước 4: Đừng quên học lại ghi chú
Bạn đã từng chép rất nhiều từ vựng hay ngữ pháp ra giấy, nhưng chép xong cũng không ôn lại nên cuối cùng thì chép mà cũng như chưa chép chưa?
Mình thì có rồi :)) Đấy là những từ vựng mình học qua sách vở. Còn những từ vựng mình học được ở chỗ làm thì từ nào cũng nhớ nha. Vì lúc nào mình cũng tiếp xúc với nó. Kiểu mình biết nhiều thì mình làm việc càng dễ, càng vui mà lại có tiền nữa nên nhiều động lực lắm.
Và một điều đặc biệt, những từ vựng này nằm hết trong chương trình JLPT, N mấy thì không thể chia hết vì nó dàn trải hết toàn bộ. Lại còn là những từ hay gặp thường ngày nữa.
Học từ đời sống và công việc là một phương pháp học mà mình cảm thấy hiệu quả nhất trong nhiều phương pháp mình đã thử. Đặc biệt rất phù hợp cho những bạn sơ cấp.
Bước 5: Tự học
Học, học nữa, học mãi. Vậy nên việc học chưa bao giờ là đủ nếu muốn phát triển. Và chúng ta không thể phụ thuộc mãi vào người khác.
Lúc mới qua còn nhiều bỡ ngỡ, tiếng còn yếu thì mình hỏi bao nhiêu cũng không ai trách cả. Nhưng theo thời gian, số năm ở Nhật lâu rồi mà vẫn cứ hỏi những cái cơ bản thì sẽ bị coi thường nha. Làm lâu năm mà tiếng Nhật chỉ lèo tèo vài câu, thì làm sao mà tin tưởng được đúng không nào?
Có 4 cách mình đã áp dụng cho việc tự học của mình:
1. Học qua YouTube
đây cũng là cách rất hiệu quả giúp mình nhớ lâu hơn. Mới đầu thì mình xem của người Việt, sau đó khi hiểu sơ sơ rồi mình chuyển kết hợp cả người Nhật nữa để hiểu sâu hơn.
Một vài kênh mà mình hay xem, chép và học theo đó là: học tiếng Nhật Cosmos (N5, N4), Ngọc Tiệp Minato (N3, N2), 日本語の森, Dũng Mori, Meshclass 日本語, あかね的日本語教室….
Và nhiều kênh chia sẻ các tips, quá trình hay kinh nghiệm của nhiều anh chị khác.
Ngoài những kênh này ra thì bây giờ có rất nhiều kênh khác nữa nên mọi người cứ thấy kênh nào mình hứng thú thì học thôi nè.
2. Học qua Facebook Group
Nếu học một mình dễ nản và bỏ cuộc thì đừng lo, bạn có thể tìm được rất nhiều bạn học, nhiều tài liệu qua Facebook Group và các Fanpage có liên quan đến tiếng Nhật nha.
Đây cũng là một trong những lý do mà mình không phải mua bất kì quyển sách nào mà vẫn học được nhiều. Vì trong các nhóm học tập mọi người share và đăng rất nhiều từ vựng rồi.
Cách tìm nhóm hay tài liệu là search từ khoá muốn tìm trên thanh tìm kiếm của Facebook. Ví dụ như học N5, đọc hiểu N3, ngữ pháp shinkanzen N2 pdf …. sau đó tham gia những nhóm phù hợp và tải thôi nè.
3. Tìm cho mình một senpai giỏi (anh chị đi trước)
“Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”. Không phải tự nhiên mà có câu nói này. Ngoài môi trường ra thì những người mình tiếp xúc cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của mình.
Mình đã từng nghĩ N1 là một cái gì đó thật xa vời cho đến khi mình quen một anh thi đậu N1 mấy lần rồi mà vẫn thi tiếp. Gặp anh là một bước ngoặt rất lớn trong hành trình học tiếng Nhật của mình. Đầu tiên là tư duy, mình mở rộng tầm nhìn ra, đặt mục tiêu lớn hơn, học nhiều hơn và quen biết nhiều anh chị học giỏi hơn để học hỏi. Và kết quả là thứ mình nghĩ nó xa vời thì giờ đây mình đã thi đậu 3 lần.
Không những thế, mình còn được anh dạy rất nhiều kiến thức hay. Có nhiều động lực học tiếng Nhật hơn từ khi gặp anh. Dù chỉ học cùng nhau trong một năm ngắn ngủi nhưng đó thực sự là khoảng thời gian ý nghĩa, làm thay đổi tư duy và tầm nhìn của mình.
Các bạn có thể tìm senpai từ những người xung quanh mình, hoặc qua mạng xã hội …. Điều này thực sự rất cần thiết, vì những anh chị ấy giống như những người dẫn dắt mình, giúp quá trình học của mình nhanh và đúng hơn.
4. Tự tra cứu và tìm hiểu
Khi học sơ cấp thì mình có thể tra cứu bằng app từ điển (mình chỉ dùng mỗi mazii) hoặc tìm kiếm trên google.
Nhưng khi mình đã học lên trung cấp và cao cấp. Mình chuyển sang việc tra cứu bằng tiếng Nhật, việc tự tra cứu này có ý nghĩa vô cùng lớn, vì thứ mình nhận được không phải là kết quả mà là cả quá trình. Để tìm ra kết quả thì mình phải đọc rất nhiều nên ngoài kết quả mình còn học được rất nhiều kiến thức khác.
Mình biết cách tìm hiểu thông tin, phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai. Và không bị phụ thuộc vào người khác.
5. Duy trì việc học
Sau khi thi xong, có bằng rồi thì có rất nhiều bạn không còn học nữa, điều này khiến kiến thức bị quên rất nhanh. Vì thế, việc duy trì học tiếng Nhật mỗi ngày là điều rất quan trọng.
Mình thì hay xem YouTube các chủ đề mình yêu thích, tra và đọc các bài blog tiếng Nhật, nói chuyện với đồng nghiệp về nhiều chủ đề khác nhau, nghe podcast tiếng Nhật …. để duy trì và ứng dụng kiến thức. Khi kiến thức đó được ứng dụng đủ nhiều thì chắc chắn sẽ không quên nữa đâu nè. Việc chúng ta cần làm là hãy dùng thật nhiều để đạt đến level đó. Thì cho dù có bỏ cũng không quên được đâu.
Nếu yêu thích nội dung của mình và thấy nó có giá trị cho cuộc sống của bạn, bạn có thể ủng hộ blog tại đây!